
OTW (Tổ Chức cho các Tác Phẩm được Biến Đổi) sẽ tròn 15 tuổi trong tháng này!
Để góp phần kỷ niệm, chúng tôi xin ra mắt kỳ đặc biệt của loạt bài Năm Điều, với sự tham gia của Francesca Coppa, một trong những người sáng lập OTW. Bạn sẽ được đọc trong bài phỏng vấn này một số hồi ức của Francesca về những ngày đầu của OTW, cũng như những thử thách từ đó đến nay tổ chức phải đối mặt. Chúng tôi cũng tổ chức một thử thách sáng tác và một cuộc thi đố vui (bằng tiếng Anh). Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những hoạt động này, vui lòng truy cập phiên bản tiếng Anh của bài viết kỷ niệm thành lập OTW.
Trung bình mỗi tháng một lần, OTW sẽ có một bài hỏi đáp với một trong các tình nguyện viên về trải nghiệm của họ tại tổ chức. Bài đăng thể hiện quan điểm cá nhân của tình nguyện viên và không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của OTW.
Những việc chị từng làm trong vai trò tình nguyện viên có liên quan như thế nào đến công việc của OTW?
Tôi từng tham gia đảm nhiệm khá nhiều vai trò ở OTW, kể từ khi tổ chức thành lập vào năm 2007. Trước khi OTW chính thức thành lập, tôi từng phụ trách việc tổ chức một số lượng lớn các thành viên của cộng đồng fan công khai mong muốn tham gia tình nguyện. Sau đó tôi có 5 năm là thành viên Ban Điều Hành; thời gian này tôi từng phụ trách Ban Truyền Thông, hỗ trợ xây dựng dự án Open Doors (Cửa Mở), và làm việc ở Ban Fanvideo và Truyền Thông Đa Phương Tiện.
Tôi từng được “chiêu mộ” vào “đội quân” theo dõi các wireframe của Archive of Our Own – AO3 (Kho Tàng Lưu Trữ của Chúng Ta) khi trải nghiệm người dùng cho AO3 vẫn còn đang trong quá trình thiết kế; hồi ấy khá là vui, không giống với chuyên môn lúc bình thường của tôi! Hiện giờ, công việc của tôi chủ yếu thiên về lĩnh vực hàn lâm – pháp lý; những việc tôi làm bao gồm soạn cơ sở tranh luận (chẳng hạn như trong vụ Dr. Seuss/Star Trek) và cung cấp lời chứng khi Ban Pháp Lý OTW cần, tôi còn làm việc cùng đội ngũ Transformative Works and Cultures – TWC (Ban Tác Phẩm và Văn Hóa được Biến Đổi) về mảng tìm kiếm luận văn và soát duyệt nội dung. Tôi vẫn giữ liên lạc với Ban Truyền Thông và luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, và vẫn nhận lời tham gia phỏng vấn cũng như cung cấp thông tin cơ bản về fandom để giúp định hướng cho các phóng viên. (Nhưng bây giờ có rất nhiều phóng viên cũng là thành viên cộng đồng fan, đây là việc hữu ích vô cùng!)
Một tuần điển hình trong vai trò tình nguyện viên của chị hiện nay ra sao?
Tính chất công việc của tôi thiên về thời vụ hơn là liên tục hàng tuần. TWC đã và đang duy trì xuất bản hai số (đôi khi là ba số!) tạp chí học thuật có bình duyệt mỗi năm. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc; như tôi vẫn nói, có những tạp chí học thuật do các trường bậc đại học tài trợ với đội ngũ nhân viên được trả lương, mà cũng không có nổi thành tích như vậy! Hầu hết các tạp chí học thuật chỉ tồn tại được vài năm rồi biến mất, nhưng tạp chí của chúng ta vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Lĩnh vực hàn lâm – pháp lý rất chú trọng giải quyết công việc kịp thời; công việc phát sinh và đòi hỏi phải phản hồi thật nhanh. (Cũng cảm ơn Ban Pháp Lý OTW, những con người tuyệt vời đã và đang tiếp tục đảm bảo để chúng ta có tiếng nói trong các vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến cộng đồng fan.)
Nhìn lại sự khởi đầu của OTW, điều gì khiến chị ngạc nhiên nhất về tầm vóc của OTW bây giờ?
Một số người – thậm chí cả những người yêu mến OTW – không nhận ra thực tế rằng: OTW không phải là doanh nghiệp mà là một dự án của cộng đồng fan! Rằng những người nảy ra ý tưởng thành lập OTW là một nhóm người trong cộng đồng, vì đã quá chán ngán cảnh bị các thế lực thị trường chèn ép! Tôi đoán có lẽ nhiều người trong cộng đồng bây giờ không còn nhớ gì về mạng internet trước khi chịu sự lũng đoạn của chủ nghĩa tư bản; họ mặc định mọi thứ trên mạng đều là kinh doanh. Mô hình phi lợi nhuận của OTW có thể khiến một số người khó hiểu – vì đúng là fandom có chi trả để OTW duy trì hoạt động, chỉ là không phải ai cũng bỏ tiền ra mà thôi.
OTW gây quỹ để những ai có khả năng chi trả hỗ trợ những ai không có khả năng chi trả, theo mô hình đài truyền hình công hoặc đài phát thanh công của Hoa Kỳ; đồng thời, tất cả mọi người đều có thể sử dụng các dự án của chúng ta, bất kể có khả năng chi trả hay không. Nhưng tôi nghĩ có một số người cảm thấy khó tin rằng một tổ chức ở quy mô và tầm cỡ này (nghĩa là mọi phương diện của OTW, không phải chỉ riêng AO3 mà còn cả TWC và đội ngũ Pháp Lý OTW, việc viết đơn amicus và được chính phủ công nhận tầm quan trọng, v.v.) lại hoạt động bên ngoài cơ chế thị trường. Chúng ta có trả tiền duy trì (và chân chính nắm quyền sở hữu) hệ thống máy chủ, nhưng toàn bộ nhân lực lao động, từ Ban Điều Hành trở xuống, đều đến từ sự đóng góp của fandom. Thực sự, nhân lực mới là điều vô giá, không phải chỉ về mặt kinh tế (mặc dù quả thực vô giá về mặt kinh tế!), mà còn theo nghĩa tượng trưng cho sự đầu tư tâm huyết của fandom vào tổ chức. OTW là nguyện vọng và là thành quả công sức của rất nhiều người, giống như một con thuyền do chính tay chúng ta đóng thành, và con thuyền này vận hành được hoàn toàn nhờ những người mới tiếp tục đứng ra và lao động để giữ nó tiếp tục vận hành.
Điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất khi nhìn lại những thành tích của mình ở OTW?
Là vẻ mặt học sinh của tôi khi biết tôi tham gia vào việc thành lập OTW. Bỗng dưng tôi như thành siêu sao nhạc rock! Tất cả học sinh của tôi đều có tài khoản AO3. Tôi còn nhớ có một thời mình lo lắng thế nào việc bị phát hiện có tham gia fandom; còn bây giờ, việc ấy đã trở thành một điểm đặc sắc để trường đại học của tôi quảng bá: AO3 đoạt Giải thưởng Hugo!
Đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển của OTW?
Ôi chà. Thách thức thì lúc nào cũng có. Khi sức lao động đến từ sự đóng góp tình nguyện, sẽ luôn có xung đột giữa những gì cần phải làm và những gì mọi người thích làm, muốn làm hoặc làm giỏi. Cũng là điều dễ hiểu khi người ta không muốn dùng đến các kỹ năng vẫn dùng trong công việc hàng ngày khi tham gia công việc tình nguyện; người ta làm tình nguyện để thư giãn ngoài công việc mà! Nhưng cũng có câu ngạn ngữ thế này: Người thợ làm vườn chơi dương cầm để tiêu khiển, người nghệ sĩ dương cầm làm vườn để mua vui. Tôi nghĩ fandom, và cả OTW nữa, cũng là như vậy.
Những việc mà đội ngũ OTW làm, việc có bao nhiêu người đứng ra và biến rất nhiều thứ thành hiện thực, khiến tôi cảm động từ tận đáy lòng. Tôi nghĩ rằng, sự tài tình và khả năng đáp ứng nhanh chóng và tích cực mà OTW thể hiện, với tư cách một tổ chức trong đó không thành viên nào được trả lương, thực sự rất đáng kinh ngạc. Và fandom cũng biết điều đó – tôi nghĩ chúng ta làm tốt hơn hầu hết các trang vì lợi nhuận và chuyên nghiệp hơn hầu hết các trang phi lợi nhuận. (Chúng ta không hề hoàn hảo, nhưng những người phàn nàn chưa bao giờ chỉ ra có ai đang làm tốt hơn, bởi vì không có ai làm tốt hơn OTW cả: có những vấn đề chỉ có thể nói là nan giải.)
Nói đi cũng phải nói lại, giờ chúng ta đã lớn mạnh, nên khi tôi nghĩ về tương lai… có lẽ bước phát triển tiếp theo của chúng ta không phải là huy động số tiền nhiều hơn một “chút” so với mức đang huy động được ở hiện tại, mà nên là nhiều hơn gấp bội, đến một quy mô hoàn toàn khác về tiền bạc. Đại khái giống như (một số bạn đọc sẽ hiểu ý tôi) khi ai đó hỏi bạn muốn quà sinh nhật gì, và bạn nói: “Chẳng muốn gì hết”; nhưng ý bạn muốn nói thực ra là: “Chẳng có gì tôi muốn mà bạn tặng cho tôi làm quà sinh nhật được cả – tôi cần một cái ghế trường kỷ. Tôi cần sơn lại nhà. Tôi cần hộp số xe mới.”
Kể cả nếu chúng ta huy động được từng ấy tiền – thì như Cyndi Lauper vĩ đại đã khôn ngoan chỉ ra vậy: “Tiền bạc thay đổi mọi thứ.” Nếu chúng ta có một OTW với hằng hà sa số nhân viên được trả lương để làm việc theo chỉ đạo, đó sẽ không còn là OTW. Nên, tôi cũng không biết nữa, nhưng trước mắt, theo mọi tiêu chuẩn hợp lý mà xét, chúng ta đã làm rất tốt (“cô nói với giọng mãnh liệt tự hào”), không lý gì mà chúng ta không thể tiếp tục làm tốt cả. Fandom luôn luôn tái tưởng tượng, tái tạo và phát minh mới; đó là việc chúng ta vẫn làm!
Chị thích những hoạt động “fan” nào?
Thực lòng mà nói, fandom không còn là hoạt động tôi làm, mà đã trở thành nơi tôi ở; tôi định cư và sống ở đây chắc phải bốn mươi năm rồi? Đây là phố nhà tôi! Các bạn fan là hàng xóm của tôi – có một số người tôi quen biết đã mấy chục năm, đôi khi sẽ có người mới chuyển đến và người cũ chuyển đi. Vì vậy nên là, ừ thì tôi vẫn đọc fic, viết fic, beta fic, tôi vẫn xem fanvid của fandom mình thích, nhưng tôi cũng thấy mình giống như một công dân của fandom theo nghĩa có thể ngồi ở hiên nhà mình và quan sát mà không phải lúc nào cũng thấy cần tham gia. Ý tôi muốn nói gì, là tôi luôn quan tâm đến fandom; tôi muốn biết những fandom nào đang là fandom lớn, tôi muốn hiểu những câu đùa, muốn nói được “tiếng” fandom: tôi muốn nhận diện được mọi “blorbo”, những nhân vật tôi chẳng biết là ai, trong những show tôi không theo dõi, nhưng vẫn biết là rất được các bạn yêu mến.
Có điều riêng TikTok chắc tôi sẽ không bao giờ tham gia. (Hầy… nhưng trước tôi cũng đã nói vậy rồi, nên bạn biết đấy: đừng bao giờ nói không bao giờ.)
Tình nguyện viên của chúng ta đã bày tỏ năm điều về công việc của mình rồi, đến lượt bạn hỏi thêm một điều nữa đó! Hãy thoải mái đặt câu hỏi về công việc của Francesca trong phần bình luận nhé. Hoặc, nếu thích, bạn cũng có thể xem thêm loạt bài Năm Điều các kỳ trước.
OTW là tổ chức phi lợi nhuận mẹ của nhiều dự án, bao gồm AO3, Fanlore, Open Doors, TWC, và Hỗ Trợ Pháp Lý OTW. Tổ chức chúng tôi được điều hành bởi các thành viên thuộc cộng đồng fan và tình nguyện viên, duy trì hoàn toàn nhờ sự quyên góp của các nhà hảo tâm. Để tìm hiểu thêm về chúng tôi, hãy ghé thăm trang web của OTW. Để biết thêm về đội ngũ biên dịch tình nguyện đứng sau bản dịch này, tham khảo trang của Ban Biên Dịch.